Cây hồ tiêu là một loại rất mẫn cảm với các loại dịch bệnh. Vài năm gần đây, nhiều nông dân đã nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật ghép tiêu vào gốc trầu không hoặc tiêu rừng Amazon, cho ra giống tiêu có khả năng chịu ngập úng và kháng nấm bệnh rất tốt. Đặc biệt kháng được bệnh tuyến trùng, bệnh chết nhanh do nấm Phytopthora sp và bệnh chết chậm do nấm Fusarium sp gây hại cây,…
Bài viết ngày hôm nay sẽ giới thiệu đến quý bạn đọc kỹ thuật ghép tiêu một cách hiệu quả.
Chuẩn bị gốc ghép: bà con có thể trồng gốc cây tiêu rừng Amazone hoặc gốc trầu không bao gồm trầu xanh và trầu vàng.
Nếu giâm cây ta nên giâm vào bầu: đất trong bầu gồm đất + xơ dừa + một ít phân hữu cơ vi sinh. Nếu không có xơ dừa có thể thay bằng phân chuồng hoai mục. Mục đích việc này là để đất tơi xốp giữ nước. Không được dùng phân chuồng chưa ủ vì khi cho vào bầu, phân sẽ lên men, tăng nhiệt độ gây chết cây. Ngọn cây tiêu rừng cần tỉa hết lá tránh thoát hơi nước. Để tạo rễ ta dùng 2,4D tỉ lệ 20 phần triệu ngâm trong 30 phút.
Cách làm như sau: lấy xi lanh rút 1 ml 2,4 d nguyên chất trong chai pha vào 1 lít nước. Sau đó dùng xi lanh lấy 20ml nước thuốc đã pha này pha vào 1 lít nước sạch mới. Chúng ta đã có 1 lít pha sau là dung dịch 20/ triệu. Chú ý khi đong đo thật chính xác. Nếu không chính xác sẽ gây hại cho cây đem giâm vì bản thân 2,4D dùng liều cao là thuốc cỏ.
Trồng và chăm sóc đến khi vị trí cắt ghép cao hơn mặt đất 20 cm trở nên, việc này giúp khi trồng phần cây tiêu cao hơn mặt đất. Tránh được các loại bệnh dưới đất.
Chuẩn bị cành ghép: chọn cành bánh tẻ, có kích thước tương đồng với gốc ghép.
Chuẩn bị dao ghép: dao ghép quyết định chính tới tỉ lệ sống. Chọn dao cứng, 1 mặt phẳng và 1 mặt vát. Thuận tay phải thì mặt vát bên tay phải, Thuận tay trái thì mặt vát bên trái. ( lưỡi dao như lưỡi đục gỗ )
Chuẩn bị nylon để buộc: Dùng nylon phủ đĩa thức ăn trong đám cưới để buộc trong mùa mưa. Nylon chuyên dùng để ghép trong mùa khô.
Kỹ thuật ghép tiêu:
Cắt cành ghép: đặt dao ghép tạo với cành cần cắt khoảng 30 độ, cắt vát 1 nhát duy nhất. Mặt vát có chiều dài 1 cm. Chiều dài của cành ghép khoảng 10 cm , có 1 đốt ở đầu cành ghép.
Chẻ thân ghép: cắt bỏ phần ngọn gốc ghép. Vị trí cắt ở đoạn bánh tẻ, không quá non hoặc già. Không cắt ở tại mấu ( tại vị trí đâm chồi ) mà cắt dưới mấu.
Đặt dao chéo 1 góc 45 độ chẻ thẳng xuống gốc ghép, chiều sâu hơn 1 cm một chút. Bề rộng của lát chẻ bằng bề rộng lát cắt trên cành ghép.
Đặt cành ghép vào gốc ghép tại vị trí vừa chẻ sao cho vỏ ngoài trùng với nhau. Quấn nylon sao cho tất cả các khu vực vừa cắt chẻ được phủ kín. Chụp 1 túi nylon nhỏ úp xuống che hết qua vị trí vừa ghép
Nếu ghép mùa khô, dùng nylon chuyên dùng thì quấn phủ toàn bộ cành ghép. Lưu ý: tại vị trí cành ghép đâm chồi chỉ phủ 1 lượt nylon. Không cần dùng túi để phủ nữa.
Sau 1 tuần mầm ghép sẽ mọc, cũng có những mầm mọc muộn hơn.
Tỷ lệ sống phụ thuộc vào ” quen tay “, chúng ta nên tập nhiều lần trước khi ghép thật.
Tiêu ghép có khả năng chịu ngập úng và kháng nấm bệnh rất tốt. Đặc biệt kháng được bệnh tuyến trùng, bệnh chết nhanh do nấm Phytopthora sp và bệnh chết chậm do nấm Fusarium sp gây hại cây. Cây sống trong môi trường ngập nước trong thời gian dài mà vẫn phát triển bình thường. Nhờ bộ rễ cực khỏe nên cây hấp thụ dinh dưỡng rất tốt giúp cây phát triển nhanh, tiết kiệm được phân bón mà lại cho năng suất cao. Cây trồng 1 năm đã cho trái bói là vì vậy. Đến năm thứ 3, cây cho thu hoạch ổn định. Đối với giống tiêu truyền thống (không ghép) thường ra trái bói vào năm thứ 3 và năng suất ổn định từ năm thứ 5.
Theo Chuyện nhà nông.