Hồ tiêu là một loại gia vị phổ thông và rất được người dân Việt Nam ưa dùng trong ẩm thực. Tuy nhiên, cây hồ tiêu là loại cây như thế nào thì không phải ai cũng biết cụ thể.
Bài viết này giới thiệu ngắn gọn về cây hồ tiêu và những thông tin cơ bản nhằm giúp bạn đọc có thông tin tổng quát nhất về loại cây đang được gọi là “vàng đen” trong hệ thống các cây công nghiệp ở Việt Nam.
# Cây hồ tiêu là gì? Mùa tiêu tháng mấy?
Cây hồ tiêu là cây gì?
Hồ tiêu có nhiều cách gọi khác nhau, trong đông y thường gọi chúng với cái tên là cổ nguyệt, hắc cổ nguyệt (Hạt tiêu đen) hoặc bạch cổ nguyệt (tiêu sọ). Là loại cây thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae), tên khoa học là Piper nigri L. Do loại hạt này có tính cay gắt (ứng với từ tiêu trong tiếng Hán), từng được tìm thấy ở nước Hồ (Trung Quốc) nên mang tên Hồ tiêu là như vậy.
Cây hồ tiêu là loại thân leo có hoa, được trồng chủ yếu để lấy quả và hạt, được thu hoạch để làm gia vị cả khi tươi và khô. Hồ tiêu hay hạt tiêu là cách gọi chung cho các sản phẩm từ quả cây hồ tiêu và được phân chia ra làm nhiều loại tùy vào màu sắc và thời gian thu hoạch.
Có mấy loại hạt hồ tiêu?
Hồ tiêu cho thu hoạch mỗi năm một lần. Hồ tiêu đen (Hắc cổ nguyệt) là loại quả được thu hoạch khi quả già nhưng lượng quả chín chưa nhiều, sau đó phơi khô chúng sẽ se vỏ và ngả màu đen. Tiêu sọ hay tiêu trắng (bạch cổ nguyệt) là loại hồ tiêu được hái khi quả đã chín kỹ, sau đó ủ và bóc vỏ, phơi khô. Bạch cổ nguyệt vị cay hơn nhưng độ thơm kém so với hắc cổ nguyệt vì lớp tinh dầu ở vỏ đã bị mất đi.
Còn có loại hồ tiêu đỏ. Trên thực tế chúng vẫn là loại hồ tiêu có nguồn gốc như hắc/bạch cổ nguyệt nhưng được thu hái khi quả chín kỹ hơn, được ủ và chế biến để giữ được màu đỏ của lớp vỏ. Loại này ở Việt Nam chỉ rất ít nơi sản xuất mặc dù giá trị xuất khẩu của chúng cao hơn tiêu đen khá nhiều lần.
Mùa hồ tiêu vào tháng nào trong năm?
Tùy vào địa hình và khí hậu mà mùa thu hoạch hồ tiêu ở các vùng là khác nhau. Quả của cây hồ tiêu kể từ khi ra hoa đến khi cho thu hoạch mất khoảng thời gian từ 8 đến 10 tháng. Ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, mùa thu hoạch tiêu thường vào tháng 2, 3 dương lịch. Ở vùng Trung Bộ mùa thu hoạch muộn hơn, thường vào tháng 4,5.
# Tác dụng của cây hồ tiêu
Trong hệ thống các cây trồng ở Việt Nam, cùng với cà phê, cây hồ tiêu là loại cây có giá trị kinh tế cao và hồ tiêu được trồng ở nước ta được thị trường xuất khẩu quốc tế rất ưa chuộng. Vì vậy, vị thế của cây hồ tiêu là rất quan trọng.
Không chỉ có tác dụng đối với nền kinh tế, cây hồ tiêu còn có tác dụng lớn trong việc phòng ngừa và điệu trị một số bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Trong Đông y, hồ tiêu có vị cay, tính rất nóng, vào 4 kinh là: tì, vị, phế và đại tràng. Có tác dụng: hạ khí tiêu đờm, chữa đau bụng, lạnh chân tay, chữa cảm hàn, đau răng…
Trong cuốn “Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư – TSKH Đỗ Tất Lợi có viết về tác dụng dược lí của hồ tiêu như sau: Dùng liều nhỏ giúp tăng dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon. Nhưng liều lớn lại kích thích niêm mạc dạ dày, gây sung huyết và viêm cục bộ, gây sốt… Hồ tiêu còn có tác dụng sát trùng, diệt kí sinh trùng, gây hắt hơi. Mùi hồ tiêu đuổi các sâu bọ.
# Các giống tiêu ở Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam trồng nhiều các giống tiêu khác nhau. Có những giống tiêu bản địa của Việt Nam và được trồng từ nhiều năm nay nhưng cũng có những giống tiêu được nhập khẩu về trong thời gian gần đây. Tên gọi của các giống tiêu này chủ yếu là được đặt theo nơi phát hiện ra giống tiêu đó hoặc nơi trồng phổ biến nhất.
Một số giống tiêu có năng suất cao và được trồng phổ biến ở nước ta hiện nay:
Giống tiêu trâu
Giống tiêu này được trồng nhiều tại các tỉnh Tây Nguyên. Đặc điểm của chúng là sinh trưởng nhanh, khả năng chống chịu bệnh tốt vì chịu được cả hạn và úng. Được gọi là tiêu trâu vì lá của chúng bản to, có hình trái tim như lá trầu không, có màu xanh đậm. Tuổi thọ của giống tiêu này khá cao, có thể lên đến 30 năm. Nhưng nhược điểm của nó là năng suất không cao.
Giống tiêu sẻ: (sẻ Lộc Ninh, sẻ mỡ Đăk Lăk, sẻ đất đỏ Bà Rịa)
Giống tiêu này có tên như thế để phân biệt với giống tiêu trâu vì chúng có lá nhỏ, mép lá hơi gợn sóng. Đặc điểm giống tiêu sẻ là chùm quả ngắn nhưng tỷ lệ đậu quả cao, quả to, hạt to. Đây là giống bắt đầu cho thu hoạch sớm kể từ khi trồng so với các giống khác. Nhược điểm là năng suất tiêu sẻ sẽ bị giảm dần về sau và dễ bị mắc bệnh nếu không được chăm sóc cẩn thận.
Giống tiêu Phú Quốc
Là giống tiêu được trồng nhiều và lâu năm ở đảo Phú Quốc. Giống tiêu này có nhiều nét giống tiêu sẻ Lộc Ninh vì cũng cho quả khá sớm. Tuy nhiên, nhược điểm của tiêu Phú Quốc là tán lá hẹp, khả năng thích nghi với các vùng có khí hậu khác rất kém.
Giống tiêu Vĩnh Linh
Đây là giống tiêu được tìm thấy ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị và là giống tiêu phổ biến nhất hiện nay ở nước ta. Diện tích trồng giống tiêu này chiếm đến 70-80%. Năng suất cao, sinh trưởng mạnh, cho trái sớm, tuổi thọ cao, vươn tán rộng là những đặc điểm nổi trội của giống tiêu Vĩnh Linh. Nhược điểm là bộ rễ yếu, dễ bị mắc bệnh.
# Giá trị kinh tế cây tiêu:
Cây hồ tiêu ở nước ta hiện nay có vị trí lớn trong bản đồ các cây trồng nông sản có giá trị xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2021, hồ tiêu của Việt Nam đã xuất khẩu đến 105 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trên thế giới, Việt Nam nhiều năm liền đứng đầu về sản xuất và xuất khảu hồ tiêu. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu mỗi năm có sự tăng, giảm tùy vào giá tiêu trên thế giới. Nhưng về cơ bản, dù giá cao hay thấp thì hồ tiêu vẫn là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
Hiện nay ở nước ta, diện tích trồng hồ tiêu vào khoảng 130 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Còn lại là ở một số vùng khác như Phú Quốc, các tỉnh miền Trung.
Một số thông tin cơ bản về cây hồ tiêu giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hiện nay. Nếu bạn cần tìm hiểu cụ thể hơn về một giống cây hồ tiêu cụ thể, hãy liên hệ với Tin nhà nông để được tư vấn nhé.