Cây tiêu luôn được biết đến là cây công nghiệp lâu năm gắn liền với người dân Việt từ xưa đến nay. Nó mang lại lợi ích kinh tế không hề nhỏ cho người nông dân, vì vậy việc học về cách chăm sóc cũng như ươm giống cây tiêu là điều vô cùng cần thiết. Hãy cùng Tin nhà nông tìm hiểu về cách ươm cây tiêu mang lại hiệu quả cao nhất nhé !
# Có Bao Nhiêu Cách Nhân Giống Cây Tiêu?
Hiện nay, có khá nhiều cách ươm cây tiêu như:
- Ươm từ hạt: Cách này khá đơn giản, ta chỉ cần ươm hạt tiêu được lấy từ những quả tiêu chín đỏ vào những luống đất hoặc các khay nhỏ. Cách này chủ yếu phục vụ cho mục đích nghiên cứu là chính.
- Ghép tiêu: Để thực hiện kỹ thuật này, ta lấy những cành ghép từ các giống tiêu có năng suất cao sau đó ghép vào những cây có cùng họ như trầu không, tiêu lốt… Thế nhưng vì kỹ thuật khá phức tạp cùng với hiệu quả chưa cao nên cách ươm cây tiêu này cũng ít được sử dụng
- Ươm tiêu từ hom: đây là cách ươm cây tiêu phổ biến nhất vì chi phí thực hiện rẻ, nhân giống nhanh và có thể ươm được cả dây lươn và dây ác
- Nhân giống tiêu bằng cách vùi thân: Khi đủ điều kiện thì dây tiêu sẽ được gỡ khỏi trụ sau đó vặt lá và được vùi phần thân xuống đất còn phần ngọn có cành ác sẽ được hướng vào phía trụ tiêu mới
- Nhân giống tiêu bằng cách chiết cành: Ta dùng những thân tiêu bánh tẻ, có thể bỏ chung từ 2 đến 3 dây vào cùng 1 bầu chiết. Đợi đến khi tiêu bắt đầu mọc rễ thì ta có thể cắt để đem đi trồng. Ưu điểm của cách ươm cây tiêu này là có thể tiến hành quanh năm
# So Sánh Tiêu Lươn Và Tiêu Ác
Tiêu lươn và tiêu ác là gì?
- Tiêu lươn: Tiêu lươn hay dây lươn là phần dây tiêu còn có màu xanh trên vỏ, chúng chưa phần cành, các mắt ít rễ bám hoặc chưa có, đốt dài và nhỏ. Tiêu lươn có thể bò trên mặt đất hoặc thông ra từ các trụ tiêu do không đủ chỗ bám
- Tiêu ác: Tiêu ác hay dây ác là phần dây tiêu sần sùi và đã chuyển sang màu xám, các mắt có nhiều rễ bám, các đốt thường ngắn và mập. Tiêu ác thường là các dây chính của trụ tiêu
Ưu và nhược điểm
Đối với tiêu lươn thì ưu điểm của nó là giá thành rẻ, dễ tìm và có thể nhân giống với số lượng nhiều. Nhược điểm của tiêu lươn là tỷ lệ nảy mầm thấp, thời gian phát triển lâu dẫn đến việc dây tiêu lâu phủ trụ và lâu thu hoạch hơn.
Tiêu ác thì ngược lại, ưu điểm của chúng là có tỷ lệ nảy mầm cao và thời gian phát triển cũng như thu hoạch nhanh. Chi phí cao cùng với việc dễ tiềm ẩn nấm bệnh cũng như tuổi thọ ngắn là những nhược điểm mà tiêu ác mắc phải.
Ươm tiêu đúng cách sẽ giúp cây phát triển tốt và khỏe mạnh hơn, từ đó nâng cao năng suất thu hoạch cho người dân. Sau đây là các bước thực hiện cách ươm cây tiêu mang lại hiệu quả cao mà bà con có thể tham khảo
# Chuẩn Bị Đất, Giàn Che Và Bầu Ươm Tiêu
Đất ươm
Khi chuẩn bị đất để ươm tiêu, ta nên sử dụng loại đất tơi xốp, được sàng sạch sẽ, ko có cỏ, sỏi đá. Đất càng mịn thì việc đóng bầu càng dễ dàng, tránh được trường hợp tiêu bị động rễ. Ngoài ra, đất ươm tiêu phải khô thoáng, và mịn như đất bột.
Việc trọn phân cũng rất quan trọng khi chuẩn bị đất ươm. Với mỗi xe rùa đất ta trộn với 5kg phân chuồng + 0,3 kg supe lân + 1 thìa bột nấm Trichoderma + 0,1kg vôi dạng bột. Ta cũng có thể thêm vỏ trấu ủ để làm tăng độ tơi xốp của đất
Bầu ươm
- Bầu ươm tiêu lươn: ta dùng loại bầu 12x22cm đối với tiêu lươn, có thể dùng nilon trong hoặc đen.
- Bầu ươm tiêu ác: đối với tiêu ác ta có thể chọn loại bầu nilon có kích thước 16x26cm hoặc 14x24cm và cần phải có lỗ thoát nước
Lưu ý cho các bạn khi đóng bầu, nên đón chặt tay, xếp bầu một cách ngay ngắn, chiều dài có thể tùy chọn nhưng chiều rộng 1-1,2m. Khi đặt bầu hơn tạo lỗi đi giữa hai hàng khoảng 50-60cm. Khoảng cách này giúp ta có thể cắm hom tiêu vào bầu hoặc chăm sắp cây con 1 cách thuận tiện.
Giàn che
Giàn che cho tiêu mới ươm thường được làm bằng cọc gỗ, tre nứa hoặc cây sắt. Nên lấy chiều cao khoảng 1,6 đến 2m và xung quanh căng lưới nilon đen loại chuyên dụng cho vườn ươm.
Nước mưa chứa nhiều acid và tạp chất nên khi để cây non tiếp xúc có thể sẽ bị nhiễm nấm bệnh, cháy lá… VÌ vây, nếu bạn làm vườn ươm vào mùa mưa thì nên làm thêm giàn che phụ bẵng các cây sắt cao khoảng 0,8-1m được uốn cong. Bên trong nên phủ 1 lớp nilon trong để hạn chế việc nước mưa tiếp xúc trực tiếp với cây non.
# Cách Cắt Hom Và Cắm Hom Tiêu Vào Bầu
Cách cắt hom tiêu giống
Đối với tiêu lươn, ta nên lấy từ các vườn tiêu trên 4 năm tuổi sau đó cắt hom dài khoảng 15-20cm và có 3-4 mắt trên mỗi hom. Trước khi đem ươm thì hom tiêu cần phải vặt lá, nên cắt xéo phần gốc để tăng diện tích bề mặt và giúp dễ quan sát hơn trong quá trình cắm
Đối với tiêu ác, ta đã có thể lấy từ các vườn tiêu trên 1 năm tuổi. Hom tiêu khi lấy về cũng phải cắt xéo phần gốc để dễ quan sát. mỗi hom tiêu ác phải có đường kính bằng ngón út trở lên và có từ 4-6 đốt trên mỗi hom.
Cách cắm hom tiêu vào bầu
Ta cần phải tưới đẫm bầu ươm trước khi cắm tiêu vào bầu. Nó giúp cho việc cắm dễ hơn, hom cũng ít bị tổn thương và trầy xước ở vết cắt.
Để kích thích rễ mọc nhanh ta nhúng hom vào phân bón lá pha loãng. Lưu ý sau khi nhúng hom vào dung dịch thì phải cắm ngay, không ngâm hom để tránh việc làm tieu bị úng nước.
# Các Cách Ươm Phù Hợp Với Từng Loại Câu Tiêu
Đối với tiêu lươn: ta cắm mỗi bầu 3 hom. Để 2-3 đốt dưới bầu và 2-3 đốt trên mặt đất.
Đối với tiêu ác: ta chỉ cắm mỗi bầu 2 hom và cũng để 2-3 đốt dưới bầu và 2-3 đốt trên mặt đất.
Tiêu sẽ mọc mầm sau khoảng 15 ngày kể từ ngày cắm, và cần thêm 4-5 tháng chăm sóc đối với tiêu lươn và khoảng 2-3 tháng đối với tiêu ác là ta có thể đem ra trồng được rồi.
# Một Số Biện Pháp Chăm Sóc Cho Cây Tiêu Sau Khi Đã Chăm Ươm Tiêu
- Cần phải thường xuyên sạch cỏ trong bầu, tránh để tình trạng cỏ mọc quá dài dẫn đến khi nhổ sẽ làm tổn thương rễ tơ
- Không nên để cây tiêu quá khô hoặc quá ẩm ướt, luôn giữ được đổ ẩm một cách vừa phải
- Nên phun thuốc nấm và thuốc trừ sâu cho tiêu mỗi 15 ngày để tránh các loại sâu rệp làm tổn thương đến phần ngọn
- Khi tiêu ra 2-3 lá thì ta có thể tưới thêm phân NPK đã ngâm hoặc phân đạm pha loãng để giúp cây phát triển tốt hơn. Lưu ý sau khi tưới xong thì phải rửa lá bằng nước sạch.
- Thường xuyên theo dõi lá tiêu, nếu phát hiện là chuyển vàng hay trăng thì cần bổ sung trung-vi lượng cây
- Khi chồi mọc mà có những dấu hiệu như xoăn lá, đốt ngắn hay cong queo thì nên loại bỏ và tiêu huy ngay lập tực vì có khả năng cây bị mắc bệnh tiêu điên.
Như vậy, qua bài viết trên ta đã năm thêm được cách ươm cây tiêu để đạt hiệu quả cao và tránh được sâu bệnh. Tin nhà nông hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn có một vườn tiêu đạt được năng suất cao và đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân và gia đình.