Cách chăm sóc cây tiêu như thế nào để có thể đem lại năng suất cao và chất lượng hạt tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân là câu hỏi mà chúng tôi thường gặp. Hãy cùng với tinnhanong.com tìm hiểu về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc để có được câu trả lời nhé.
# Yêu cầu với đất trồng và khí hậu cho hồ tiêu.
Với mỗi giống cây trồng, điều kiện khách quan về đất trồng và khí hậu là vô cùng quan trọng. Chúng quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Yêu cầu về đất trồng.
Để đạt hiệu quả cao về năng suất và chất lượng, cây hồ tiêu yêu cầu về đất trồng khá đặc thù.
Cây tiêu ở nước ta hiện được trồng và phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đỏ bazan, đất sét pha cát, đất phù sa và kể cả đất phù sa cổ (đất xám bạc màu).
Tuy nhiên, để cây tiêu có thể đạt được năng suất và chất lượng tốt, chúng có yêu cầu về địa hình, đó là: tầng đất để canh tác cây phải có độ dày tối thiểu 70cm, có mạch nước ngầm sâu trên 2m, đất dễ thoát nước, không bị ngập úng, đất tơi xốp, giàu mùn và có thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, có độ PH từ 5-7.
Theo kinh nghiệm của những người trồng tiêu lâu năm thì cứ vùng đất nào có thể trồng được cây trầu không thì nơi đó có thể trồng được cây hồ tiêu.
Yêu cầu về khí hậu:
Cây hồ tiêu là cây thích hợp với những vùng có khí hậu nhiệt đới, phát triển tốt nhất ở mức nhiệt từ 25-270C. Những vùng có nhiệt độ cao hơn 350C hoặc thấp dưới 100C kéo dài đều không thể trồng được cây tiêu vì chúng không thể sinh trưởng và phát triển trong điều kiện nhiệt độ như vậy.
Chính vì thế, ở Việt Nam, những vùng thích hợp để trồng cây tiêu chính là những vùng thường xuyên có nền nhiệt độ ổn định trong cả năm, nhất là vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…
# Lựa chọn loại trụ trồng hồ tiêu.
Cây tiêu là cây thân leo, chúng dùng rễ để bám vào vật trụ để leo lên cao. Do đó, để cây tiêu cho năng suất và chất lượng tốt thì yêu cầu phải có vật để bám vào, vật đó phải đảm bảo đủ sức để tải được sức nặng của cây tiêu khi chúng cho quả ở thời điểm hoàn hảo nhất. Và vật để tiêu bám vào, phát triển được gọi là trụ tiêu.
Về cơ bản, trụ tiêu có 2 loại: trụ tự nhiên và trụ nhân tạo. Dù dùng trụ tiêu nào thì đều đòi hỏi chúng phải có độ bền cao, ít nhất trong 20 năm cho vòng đời của cây tiêu và chúng phải đủ sức chống chọi lại với gió bão cũng như sức nặng của cây.
Trụ tự nhiên, cách gọi khác là trụ tiêu sống
Chúng chính là các cây thân gỗ, có dáng thẳng đứng, nhanh lớn, ít phân cành và có bộ rễ bám chắc, vỏ cây có độ xù xì để rễ tiêu có thể bám vào. Với loại trụ tiêu sống này, nhà vườn sử dụng trong trồng cây xen canh. Các loại cây có thể dùng làm trụ tiêu thường là: muồng, núc nác lá nhỏ, cây gáo vàng, cây tếch, cây hông…
Trụ tiêu nhân tạo, còn được gọi là trụ cố định, trụ chết
Trụ này chính là các loại trụ được con người tạo ra từ các vật liệu cứng như cọc bê tông, cọc bằng lõi gỗ cứng hoặc trụ gạch xây… Yêu cầu kỹ thuật của loại trụ tiêu loại này là phải được chôn cọc đủ sâu hoặc được gia cố cẩn thận để cọc có thể vững vàng trước điều kiện bất lợi của gió bão. Chiều cao của trụ nhân tạo này phải ít nhất là 4m, thường là 6-7m để giúp cây hồ tiêu tăng sản lượng. Tuy nhiên, cũng không nên để trụ quá cao, khi thu hoạch gặp nhiều khó khăn.
# Chọn giống hồ tiêu tốt nhất
Hiện nay trên thị trường có nhiều giống hồ tiêu khác nhau, mỗi giống có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, bà con cần căn cứ vào đặc điểm loại đất để chọn giống phù hợp cho vườn nhà mình.
Về cơ bản, ngoài việc phụ thuộc và thổ nhưỡng từng vùng, để chọn được giống hồ tiêu cho năng suất và chất lượng tốt cần biết chọn cây giống với các tiêu chuẩn: Chọn vườn tiêu giống tốt, không có nguồn bệnh. Cây tiêu được chọn làm cây giống phải là cây không nhiễm bệnh, cho năng suất cây trồng ổn định. Cây tiêu giống có tán phân bố đều các phía, đốt trên cây ngắn và khả năng phân cành tốt, có gié hoa dài, mang nhiều hạt to, hạt chín tương đối tập trung.
# Mật độ và khoảng cách trồng tiêu
Năng suất và chất lượng của cây hồ tiêu phụ thuộc rất nhiều vào mật độ và khoảng cách trồng tiêu. Nếu mật độ và khoảng cách trồng không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến giảm năng suất cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Mỗi loại trụ trồng tiêu sẽ có tiêu chuẩn về mật độ và khoảng cách khá nhau. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu để bà con nông dân tham khảo các loại mật độ dưới đây.
Nếu bà con dùng trụ gạch xây có đáy vuông thì khoảng cách trồng tiêu khoảng 2,5m x 2,5m, tương đương với khoảng 1600 trụ/ha. Nếu trụ tròn thì mật độ trồng có thể là 3m x 3m, tương đương 1110 trụ/ha.
Nếu sử dụng trụ đúc bê tông thì mật độ được khuyến cáo là 2 x 2m hoặc 2 x 2,5m và trụ cao 4-5m.
Nếu có kế hoạch dùng trụ tiêu sống, bà con nông dân cần thiết kế trụ từ 1-2 năm trước tùy vào đặc điểm sinh trưởng của loại cây trụ. Cũng tùy vào tán loại cây trụ mà bà con thiết kế khoảng cách phù hợp để ra mật độ cây tiêu. Cần tính toán thật tốt để cả cây trụ và cây tiêu có thể phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng hoàn hảo.
# Thời điểm trồng tiêu và cách trồng tiêu con
Thời điểm trồng tiêu thích hợp
Cây hồ tiêu chủ yếu được trồng ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, số ít được trồng ở Phú Quốc một số địa phương miền Trung. Về cơ bản, hồ tiêu phù hợp với nơi có khí hậu phân rõ mùa mưa và mùa khô.
Vì thế, thời điểm trồng tiêu thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa. Thường là khoảng tháng 4, 5 dương lịch. Nếu có thể chủ động được lượng nước tưới tiêu và thời tiết phù hợp, nhà vườn cũng có thể trồng cây tiêu con vào khoảng tháng 2,3 hoặc vào tháng 6 dương lịch.
Cách trồng tiêu con
Trồng cây tiêu con cần có sự chuẩn bị từ trước. Do đó nhà vườn lưu ý, phải tiến hành đào hố trồng tiêu có kích thước từ 30-40cm/bầu tiêu, hoặc hố 50-60cm nếu trồng 2 bầu/hố từ trước.
Sau khi đào hố trống, cần cho phân chuồng hữu cơ khoảng từ 3-5kg/hố và khoảng từ 0,3-0,5kg phân NPK; 01-0,2kg các loại nấm đối kháng và vi sinh vật có lợi, trộn đều với đất và lấp hố, chờ 1 tháng sau đất ổn định mới tiến hành trồng cây con.
Khi trồng cây tiêu con, cần có kỹ thuật trồng để làm sao cây tiêu con hơi nghiêng về phía trụ, phần gốc tiêu ko bị quá sâu, tránh bị ngập úng trong mùa mưa.
# Cách chăm sóc cây tiêu: Bón phân
Hồ tiêu là cây trồng chủ yếu ở vùng đất đỏ baazan, đất đỏ vàng trên granit và đấm xám, do vậy, việc bổ sung dưỡng chất cho cây là rất cần thiết. Cần phải biết rõ cây đang trong quá trình phát triển nào để bổ sung dưỡng chất với tỉ lệ cho phù hợp. Cụ thể là:
Cách bón phân cho hồ tiêu ở giai đoạn cây mới trồng, chưa cho thu hoạch
Bà con nông dân cần thực hiện bón phân ở các giai đoạn: Bón lót trước khi trồng bằng phân hữu cơ; Tưới thúc khi cây con đã ra rễ mạnh với tỷ lệ 30-50gr phân NPK trong 20l nước/trụ, tưới 2-3 lần cách nhau 10 ngày để giúp rễ cây phát triển mạnh hơn; Bón thúc hàng năm với lượng 500-700gr NPK/trụ cho năm đầu tiên và 700gr-1kg/trụ cho cây từ năm thứ 2 trở đi. Lượng phân bón thúc được chia đều cho 4-5 lần bón vào các khoảng thời gian đầu, giữa và cuối mùa mưa/khô.
Bên cạnh đó, bà con có thể bổ sung phân hữu cơ để cây phát triển khỏe mạnh.
Cách chăm sóc cây tiêu: bón phân cho cây giai đoạn ra trái
Cây hồ tiêu giai đoạn cho trái rất quan trọng vì nó quyết định năng suất và chất lượng hạt. Giai đoạn này, cây hồ tiêu cần được bón từ 3-4 đợt trong 1 năm. Có thể chia các đợt bón như sau:
- Đợt 1: Bón phân ngay sau khi thu hoạch quả.
- Đợt 2: Trước khi cây ra hoa.
- Đợt 3: Khi cây đã đậu trái.
- Đợt 4: Bón để cây nuôi trái.
Ngay sau khi thu hoạch, bà con cần bổ sung lượng phân hữu cơ từ 5-7kg/trụ để cây được bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng, chuẩn bị cho vụ quả mới. Lần bón phân này, bà con có thể xẻ rãnh nông giữa các trụ cọc tiêu rồi bỏ phân hoặc có thể xẻ mép ngoài bồn cây để cây được hấp thụ dinh dưỡng dễ dàng.
Bên cạnh phân bón gốc như trên, bà con cần bổ sung phân bón lá hoặc các loại phân nhằm kích chồi mới phát triển mạnh, loại phân giúp cây đậu trái sai… trong quá trình chăm sóc giúp cây đạt năng suất cao.
# Cách chăm sóc cây tiêu theo mùa
Giống các loại cây trồng khác, cây hồ tiêu, với mỗi mùa khác nhau cần cách chăm sóc khác nhau.
Cách chăm sóc cây tiêu trong mùa khô
Cây hồ tiêu là cây không yêu cầu độ ẩm quá cao, tuy nhiên, mùa khô ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thường kéo dài, vì vậy cần phải áp dụng các biện pháp giúp giữ ẩm cho cây thật tốt. Một trong các biện pháp đó là giúp đất tơi xốp, giữ được độ ẩm bằng cách bón phân chuồng vào cuối mùa mưa. Sử dụng kỹ thuật đảm bảo cây được tưới ẩm thường xuyên trong mùa khô.
Về dinh dưỡng, cây trong mùa khô cần được bổ sung nhiều dinh dưỡng để chống chọi với thời tiết. Nếu là cây đang trong giai đoạn cho quả thì cần được bổ sung phân NPK với hàm lượng Kali cao. Đối với cây giai đoạn chưa cho quả thì cần sử dụng phân NPK với lượng cân đối.
Cây tiêu trong mùa khô thường hay phát sinh rệp sáp. Vì vậy bà con cần chú ý kiểm tra cây thường xuyên để có biện pháp phòng trừ sớm.
Cách chăm sóc cây tiêu trong mùa mưa
Bộ rễ của cây tiêu khá nhạy cảm, vì vậy vào mùa mưa có thể bị úng rễ nếu thoát nước không tốt. Vì vậy, vào mùa mua, bà con nông dân cần đào mương, hoàn thiện hệ thống thoát nước thật tốt cho vườn tiêu.
Khi vườn tiêu vẫn còn độ ẩm lớn, bà con tránh đi lại nhiều trong vườn. Không làm cỏ, bón phân trong điều kiện vườn còn quá ướt.
Trong mùa mưa, bà con cần bón lượng phân thích hợp tùy vào hiện trạng của đất. Bà con cần bổ sung phân chuồng với mỗi gốc là 15-20kg, phân NPK với lượng cụ thể từng loại: đạm ure 100-200gr, lân 200-300gr, kali từ 60-100gr. Có thể bón thêm vôi tùy lượng cho mỗi gốc nếu ở vùng đât chua.
# Thu hoạch và bảo quản hồ tiêu đúng cách
Để đảm bảo chất lượng hạt hồ tiêu, người trồng cần biết thời điểm nào thu hoạch là tốt nhất. Theo khuyến cáo, nếu dự kiến để làm tiêu đen, nhà vườn chỉ nên thu hoạch khi tỷ lệ hạt chín của tiêu ít nhất là 5%. Nếu để làm tiêu sọ, số quả chín cần đạt ít nhất là 20%.
Sau khi thu hái, hạt tiêu được ủ chín nếu mục đích để làm tiêu sọ hoặc phơi ngay để làm tiêu đen. Nếu ủ tiêu, cần phải trộn đều thường xuyên để giúp quả tiêu được chín đồng đều, sau đó tách hạt khỏ chùm và phơi/sấy.
Hạt tiêu được làm khô có thể qua phương thức phơi nắng tự nhiên hoặc dùng lò sấy. Nếu phơi nắng, trong điều kiện nắng to, thì 3-4 nắng là đạt. Nếu dùng máy để sấy, cần sấy với nhiệt độ ổn định trong khoảng từ 50-600C cho đến khi hạt tiêu khô. Đảm bảo thành phẩm thu được sau khi sấy hoặc phơi có độ ẩm dưới 15%.
Sau khi hạt đã được phơi sấy khô, người nông dân cần làm sạch tạp chất trong thành phẩm trước khi đóng túi bảo quản. Để đảm bảo hạt tiêu không bị ẩm mốc, cần giữ trữ hạt trong bao có 2 lớp với lớp bên trong là bao nilon chống ẩm và cất giữ trong kho khô thoáng, không bị ẩm cũng như ko quá nóng.
Trên đây là cách chăm sóc cây tiêu và các thông tin cần thiết về cách thu hoạch, bảo quản tiêu. Nhà nông cần tư vấn thêm thông tin, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể.