Bệnh vàng lá ở cây tiêu là một căn bệnh khá phổ biến mà hầu hết những nhà trồng tiêu đã từng gặp phải. Căn bệnh này nếu không cứu chữa kịp thời sẽ có thể gây chết cây từ đó ảnh hưởng vô cùng lớn đến kinh tế của người dân. Hãy cùng Tin nhà nông tìm hiểu về căn bệnh vàng lá này cũng như là cách phòng tránh nhé!
# Giới Thiệu Về Căn Bệnh Vàng Lá Ở Cây Tiêu
Bệnh vàng lá ở cây tiêu
Vàng lá là một căn bệnh phổ biến trên các loại cây trồng gây ra nhiều thiệt hại cho người dân. Nếu không được phòng ngừa hoặc chữa trị kịp thời, cây bị bệnh vàng lá sau một thời gian sẽ dẫn đến thối rễ và chết cây.
Thời gian ủ bệnh của bệnh vàng lá diễn ra trong vòng khoảng 3 tháng. Do rễ cây không hút đủ nước và chất dinh dưỡng, cây phải sử dụng nguồn dự trữ có trong thân để nuôi cây. Vì vậy trong một khoảng thời gian dài, cây sẽ bị vàng lá.
Bệnh vàng lá ở cây tiêu thường chỉ bị phát hiện khi cây xuất hiện vàng lá dần và trên diện rộng. Cây có biểu hiện của sự suy kiệt, bộ rễ của cây không phát triển. Khi này, cây đã dần chuyển ra giai đoạn cấp tính. Cần có biện pháp xử lý kịp thời nếu không cây sẽ chết trong vòng 2-3 năm.
Bệnh vàng lá có thời gian ủ bệnh lâu. Tuy nhiên thời gian lây lan lại rất nhanh. Đặc biệt, nếu không thể trị dứt điểm cho cây, tỉ lệ tái phát của bệnh này khá cao.
Trên đây là những dấu hiệu cơ bản của bệnh vàng lá ở cây tiêu. Tuy nhiên, để có thể phát hiện một cách sớm nhất, bà con nên tham khảo kỹ hơn về triệu chứng của căn bệnh này.
Triệu chứng của bệnh vàng lá ở cây tiêu
Rễ tiêu bị thối là triệu chứng đầu tiên để phát hiện bệnh vàng lá ở cây tiêu. Đầu rễ tiêu bị thối và dần có những nốt sần xuất hiện. Ban đầu, những nốt sần này xuất hiện một cách riêng rẽ. Tuy nhiên sau một thời gian sẽ bắt đầu tạo thành nhiều chuỗi trên khắp rễ và làm cho toàn bộ rễ bị thối. Khi mắc bệnh, khả năng hút nước và chất dinh dưỡng của cây hầu như không còn.
Ở phần lá cây, các lá già sẽ bị vàng từ trong gân lá và dần lan ra toàn bộ bề mặt lá. Trong trường hợp cây bị bệnh nặng hơn, các đốt lá sẽ bắt đầu rụng và tán lá trở nên thưa thớt. Cây trở nên héo và kém phát triển.
Ngoài ra, khi bà con quan sát kĩ, phát hiện được gié hoa bị rụng hoặc cây không đậu quả cũng là một triệu chứng của bệnh vàng lá ở cây tiêu.
# Nguyên Nhân Gây Ra Bệnh Vàng Lá
Nguyên nhân gây ra bệnh vàng lá ở cây tiêu là do sự kết hợp giữa tuyến trùng Meloidogyne incognita với các loại nấm như Phytophthora spp, Fusarium solani,… gây nên. Tuyến trùng tấn công gây ra những nốt sần và vết thương trên đầu rễ để nấm có thể xâm nhập vào vây. Khi nấm tấn công vào sẽ gây ra hiện tượng cây bị thối rễ, không có khả năng hút chất dinh dưỡng và nước. Lá cây bị vàng, rụng đốt và thưa tán khiến cây ngừng sinh trưởng và chết dần.
Số lượng tuyến trùng Meloidogyne incognita xâm nhập vào cây được thể hiện dựa trên số lượng và kích thước của các nốt sần có trên rễ. Ban đầu, kích thước có thể chỉ vài mm nhưng sau đó sẽ tăng đến vài cm.
Ngoài ra, không có sự tấn công của tuyến trùng thì rễ vẫn có thể bị thương. Điều này cũng giúp nấm Phytophthora Spp, Pythium spp tấn công vào rễ cây và làm thối rễ. Trong trường hợp này, cây cũng sẽ bị bệnh vàng lá, không thể phát triển và chết dần.
Một số nguyên nhân khiến rễ bị thương có thể kể đến như:
- Bón phân không cân đối, lạm dụng phân bón hóa học khiến đất bị chai cứng, thiếu tơi xốp làm cho rễ bị thiếu oxy.
- Vườn bị ngập khiến cây bị thối rễ.
- Phân bón hữu cơ cho cây không được phân hủy hoàn toàn, sinh ra các acid hữu cơ và khí H2S khiến rễ cây bị ngộ độc.
- Trồng cây quá sâu làm cho phần cổ rễ bị che lấp. Khi có hiện tượng ngập úng xảy ra, cây hô hấp trong tình trạng yếm khí lâu dài sẽ bị thối rễ.
Có thể bạn chưa biết:
# Một Số Phương Pháp Để Chữa Bệnh Vàng Lá Trên Cây Tiêu
Bệnh vàng lá ở cây tiêu khi được phát hiện cần có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu không cây sẽ nhanh chóng bị suy yếu, khiến cây chết dần. Càng để lâu thì vùng đất nơi cây có bệnh sẽ càng trở nên xấu và khó phục hồi.
Một số phương pháp bà con có thể tham khảo để chữa bệnh cho cây:
- Kiểm tra độ pH của đất nếu quá thấp cần bón thêm phân dolomite để nâng cao độ pH.
- Cắt tỉa những cành lá bị vàng từ đỉnh đọt xuống khoảng 2-3 mắt lá. Trộn đều phân hữu cơ với đất và bón cho cây cách gốc 30cm để tạo môi trường cho vi sinh vật hoạt động.
- Sử dụng các sản phẩm đặc trị bệnh cho cây để bảo vệ rễ trước sự tấn công của tuyến trùng và các loại nấm bệnh.
Ngoài ra, bà con có thể sử dụng tro và than củi để chữa bệnh cho cây theo các bước sau:
- Bước 1: Sử dụng máy đào 4 lỗ xung quanh gốc cây tiêu bị bệnh. Kích thước rộng khoảng 15cm và sâu khoảng 80cm.
- Bước 2: Nghiền nhỏ tro và than củi và đổ đầy vào mỗi hố.
- Bước 3: Pha chế hỗn hợp gồm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật và 200 lít nước. Dùng để xịt vào thân cây và gốc cây. Mỗi gốc xịt 5 lít và tuyệt đối không được phun vào mùa mưa. Vun gốc với đường kính 40cm để cây có thể thoát nước nhanh.
- Bước 4: Sau 3 ngày, thực hiện bón phân cho cây, sử dụng 0,4kg NPK và 2 ký phân hữu cơ. Tưới đủ nước cho cây.
Lưu ý: Cần phun phân bón lá cho cây định kỳ để cây phục hồi nhanh. Trong 2-3 tháng không bón thêm bất cứ loại phân nào và chỉ tưới nước để giữ độ ẩm cho cây khi trời nắng.
# Các Biện Pháp Chăm Sóc Cho Cây Tiêu Sau Khi Chữa Bệnh
Giữ độ ẩm cho đất từ 60-80% và không bón NPK trong vòng 3 tháng cho cây sau khi điều trị bệnh.
Không sử dụng các loại hóa chất cho cây. Điều này sẽ làm nấm đã bổ sung bị giết chết.
Thực hiện bón vôi vào đầu mỗi mùa mưa để ngăn ngừa nấm bệnh. Đồng thời tăng độ pH cho cây giúp cây phát triển tốt.
Tăng độ mùn và tơi xốp đất bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ. Tránh lạm dụng các loại phân hóa học.
Bổ sung Calcium Nitrate 3 lần/năm để tăng miễn dịch và đề kháng cho rễ.
Bà con nên kiểm tra vườn thường xuyên. Phát hiện bệnh vàng lá ở cây tiêu một cách sớm nhất và có biện pháp xử lý kịp thời.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh vàng lá ở cây tiêu cũng như cách phòng tránh khi vườn tiêu mắc phải căn bệnh này. Tin nhà nông mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm thông tin để có một vườn tiêu khỏe mạnh, không bệnh tật.